Xây dựng, bảo hộ nhãn hiệu nông sản: Không thể chậm trễ

Thảo luận trong 'Môi trường, đô thị' bắt đầu bởi hoangpianohcm, 26/5/21.

  1. hoangpianohcm
    Offline

    hoangpianohcm Active Member

    Sau vụ việc một số doanh nghiệp (DN) Mỹ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu gạo ST25 tại thị trường Mỹ, mới đây, có DN Australia nộp đơn đăng ký nhãn hiệu ST24, ST25 kèm nội dung: “Gạo, gạo ngon nhất thế giới” tại thị trường này.

    Sự việc này tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc lơ là, chưa quan tâm chính đáng đến vấn đề sở hữu trí tuệ của các DN Việt Nam. Trong bối cảnh hội nhập, việc xây dựng, bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu cho các mặt hàng nông sản Việt Nam là vấn đề sống còn hiện nay.

    Nhiều bất cập trong xây dựng nhãn hiệu nông sản

    Là một đất nước có nhiều mặt hàng nông sản có thế mạnh, thế nhưng phần lớn nông sản của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu (XK) ở dạng thô; sau khi nhập về, các DN nước ngoài chế biến và sử dụng nhãn hiệu, thương hiệu của họ. Điều này không chỉ làm sản phẩm nông sản của Việt Nam khó tiếp cận được thị trường quốc tế mà giá trị kim ngạch XK sản phẩm nông sản giảm đáng kể, gây thiệt hại cho nền kinh tế. Điển hình cho câu chuyện này là mặt hàng gạo của Việt Nam.

    Thời gian qua, đặc biệt là năm 2020, XK gạo sang Anh ghi nhận tăng trưởng ngoạn mục, đạt 116% về lượng so với năm 2019. Tuy nhiên, gạo Việt Nam được bán tại Anh quốc với các thương hiệu: Longdan, Golden Lotus, Buffalo (của Longdan Supermarket), Green Dragon (của Westmill UK) và Red Ant (của MediFood). Theo Thương vụ Việt Nam tại Anh, Bộ Công Thương, nguyên nhân dẫn tới tình trạng phần lớn gạo Việt Nam tại Anh mang thương hiệu của nhà phân phối chứ không mang thương hiệu của vùng trồng lúa hay thương hiệu của nhà XK là vì nhà XK chưa làm thương hiệu hoặc nhà phân phối sở tại cho rằng thương hiệu riêng của họ có hiệu quả marketing hơn thương hiệu của nhà XK Việt Nam, nhất là khi thương hiệu gạo Việt Nam không được người tiêu dùng sở tại biết đến. “Trong môi trường cạnh tranh có lợi cho người nhập khẩu sở tại hơn người XK nước ngoài, các DN XK Việt Nam thường sẵn sàng chấp thuận xuất gạo không có thương hiệu và để cho nhà phân phối sử dụng thương hiệu riêng của họ”, Thương vụ Việt Nam tại Anh thông tin.

    [​IMG]
    Câu chuyện của gạo ST25 cho thấy sự cần thiết xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp. Ảnh: nhandan.vn
    Cũng liên quan tới mặt hàng gạo, thực tế cho thấy, giống lúa có tên ST24, ST25 là do ông Hồ Quang Cua và nhóm nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu, sản xuất thành công, đã được cấp bằng bảo hộ tại Việt Nam. Gạo ST 24, ST 25 là sản phẩm được chế biến từ giống lúa cùng tên, được mang đi thi và đoạt giải quốc tế. Tuy nhiên, gạo ST24, ST25 đứng trước nguy cơ bị mất trắng nhãn hiệu ở nước ngoài khi có nhiều DN nhanh tay đăng ký bảo hộ loại gạo ngon nhất thế giới. Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), nguy cơ gạo ST25 bị mất thương hiệu một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với tất cả các DN về ý nghĩa, vai trò của thương hiệu trong kinh doanh thương mại quốc tế.

    Cần cơ quan chuyên trách hỗ trợ DN xây dựng, bảo hộ nhãn hiệu

    Từ thực tế công việc, luật sư Trần Đức Sơn, Giám đốc Công ty Luật TNHH Sipco cho biết, Việt Nam vốn nổi tiếng với các sản phẩm nông sản XK. Việc mất các nhãn hiệu, các chỉ dẫn địa lý là chuyện không hiếm, như câu chuyện về nước mắm, cà phê, kẹo dừa cũng là những ví dụ điển hình về câu chuyện “chậm chân” trong việc bảo vệ nhãn hiệu hàng hóa. Cho nên các DN nên nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu càng sớm càng tốt, để tránh nguy cơ bị mất nhãn hiệu. Luật sư Trần Đức Sơn cũng cho rằng việc bảo hộ nhãn hiệu tại nước ngoài nhằm nâng cao uy tín thương hiệu hàng hóa của Việt Nam, tạo thuận lợi cho việc đấu tranh chống hàng nhái, hàng giả. Cùng với đó, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại nước ngoài không quá khó, nhưng khi đã để mất nhãn hiệu thì việc đòi lại rất gian nan, tốn kém và chưa chắc được.

    Nhìn nhận về nhãn hiệu gạo ST25, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy đánh giá, vấn đề của ông Hồ Quang Cua không phải là vấn đề chi phí đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở thị trường XK mà chủ yếu do kiến thức về nhãn hiệu, thương hiệu và chưa được tư vấn, hướng dẫn thấu đáo nên mới dẫn tới tình trạng để DN ngoại “nhanh chân” đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Ông Hoàng Trọng Thủy cũng nhấn mạnh, trong thời kỳ hội nhập, thắng lợi trong mở rộng thị trường XK là bằng thương hiệu, chứ không đơn thuần chỉ là khối lượng và chất lượng ổn định nữa. Chính vì vậy, muốn tạo ra đột phá trong xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản XK, một trong những điểm mấu chốt là Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải có cơ quan chuyên trách hỗ trợ các DN...

    Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Vũ Bá Phú nhìn nhận, tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA), cơ hội XK cho sản phẩm hàng hóa Việt Nam là rất lớn và rộng mở nhờ việc mở cửa thị trường cũng như cắt giảm thuế quan. Các sản phẩm của Việt Nam trước đây chỉ nổi tiếng trong nước nay có cơ hội vươn ra tiếp cận nhiều hơn thị trường XK trên thế giới; đặc biệt là các thị trường mà Việt Nam có FTA. Chính vì vậy, các DN cần phải có ý thức bảo vệ thương hiệu của mình trên các thị trường XK, nhất là ở các thị trường XK trọng điểm, ở các thị trường có FTA bằng cách đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho nhãn hiệu, cho sản phẩm XK của mình. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tăng cường hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức vai trò thương hiệu, giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị sản phẩm trên thị trường, từ đó nâng cao nhận thức, vai trò của bảo vệ thương hiệu; giám sát việc xâm hại bản quyền nhãn hiệu của Việt Nam trên các thị trường, hỗ trợ kỹ thuật thông qua cung cấp các khóa đào tạo, tập huấn, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ tại thị trường trong nước và một số thị trường XK trọng điểm...

    MINH ĐỨC

    Nguồn: qdnd.vn
     

Chia sẻ trang này

Thành viên đang xem bài viết (Users: 0, Guests: 0)